Đà Lạt từ 1954 đến 1975 Lịch_sử_Đà_Lạt

Giai đoạn 1954 – 1963

Năm 1954, sau thất bại ở trận Điện Biên Phủ, người Pháp rời khỏi Đông Dương. Hiệp định Genève chia Việt Nam thành hai miền với ranh giới là vĩ tuyến 17. Đà Lạt thời kỳ này tiếp tục chịu tác động sâu sắc bởi những biến động của lịch sử. Chỉ trong vòng hơn hai năm từ 1954 đến 1956, dân số Đà Lạt tăng từ trên 25 ngàn lên gần 59 ngàn nhờ dòng người di cư từ miền Bắc cùng làn sóng cư dân từ miền Trung tới lập nghiệp.[57] Dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam, chính quyền Sài Gòn xác lập một nền hành chính mang sắc thái riêng.[56] Ngày 11 tháng 3 năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ban hành Dụ số 21 giải thể chế độ Hoàng triều Cương thổ, Đà Lạt trực thuộc chính quyền trung ương tại Sài Gòn.[61] Ngày 19 tháng 5 năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 261 – VN thành lập tỉnh Tuyên Đức bao gồm thị xã Đà Lạt và 3 quận Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng. Một phần lãnh thổ Đà Lạt bị cắt bớt nên dân số giảm xuống chỉ còn 43 ngàn người.[62]

Sau khi người Pháp rời khỏi Đông Dương, Đà Lạt chỉ còn vai trò một thành phố du lịch, không còn giữ chức năng "thủ đô mùa hè" như giai đoạn trước đó.[63] Được xem như địa bàn chiến lược quan trọng ở Nam Tây Nguyên, Đà Lạt khi đó được chính quyền Sài Gòn thiết lập một hệ thống hành chính khá hoàn chỉnh. Thành phố đặt dưới quyền một thị trưởng với bộ máy giúp việc gồm các ty Nội an và Quân vụ, Hành chính, Tài chính, Kinh tế... và một Hội đồng đô thị.[57] Thị trưởng của Đà Lạt kiêm nhiệm chức vụ tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức và từ 9 tháng 11 năm 1960, tòa thị chính Đà Lạt được sáp nhập với tòa hành chính tỉnh Tuyên Đức.[62] Năm 1961, hai cơ quan hành chính này được tách riêng, nhưng tới năm 1964 lại được gộp lại thành tòa hành chính Đà Lạt – Tuyên Đức.[64] Về tổ chức hành chính, Đà Lạt được chia thành 10 khu phố, xã Liên Hiệp và ấp Thái Phiên. Mỗi khu phố bao gồm nhiều ấp và mỗi ấp đều có ấp trưởng trực tiếp quản lý mạng lưới liên gia từ 10 đến 30 hộ gia đình đặt dưới sự giám sát của liên gia trưởng về mọi mặt hành chính cũng như an ninh trật tự.[65]

Từ năm 1954 đến năm 1963, chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm có kế hoạch phát triển Đà Lạt khá quy mô, xây dựng các công trình văn hóa nghệ thuật, cơ sở hạ tầng đô thị được chỉnh trang, nâng cấp.[66] Nền kinh tế thành phố vẫn giữ nguyên định hướng phát triển du lịchnông nghiệp.[67] Đặc biệt từ năm 1958, sau Đại hội Lâm Viên – Đà Lạt, chính quyền Sài Gòn với Chương trình khai thác Cao nguyên Trung Phần muốn biến Đà Lạt thành một trung tâm du lịch quốc tế, đã mở ra hướng dịch vụ mới về giáo dục và nghiên cứu khoa học.[65] Hàng loạt các trường học, trung tâm văn hóa và cơ sở nghiên cứu ra đời vào thời kỳ này, có thể kể đến Viện Đại học Đà Lạt, Giáo hoàng Học viện, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, Thư viện Đà Lạt... Nhiều công trình phục vụ du lịch, các sơ sở tôn giáo cũng tiếp tục được xây dựng và sửa chữa, như chợ Đà Lạt, sân bay Liên Khương, nhà thờ Cam Ly, chùa Linh Phong.[65]

Giai đoạn 1964 – 1975

Biệt điện Trần Lệ Xuân, dinh thự của gia đình Trần Lệ XuânNgô Đình Nhu. Năm 1964, công trình trở thành địa điểm tham quan sau khi Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị ám sát. Ngày nay, nơi đây trở thành Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Dự án phát triển Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng được tiến hành trong một thời gian ngắn thì gián đoạn khi anh em Tổng thống Ngô Đình DiệmNgô Đình Nhu bị ám sát trong cuộc đảo chính cuối năm 1963.[68] Trong giai đoạn này, tình hình chính trị miền Nam Việt Nam không ổn định khiến Đà Lạt ít nhiều bị tác động. Từ năm 1965, khi Hoa Kỳ trực tiếp đưa quân đội vào tham chiến ở Việt Nam, chính quyền Sài Gòn chỉ định các chức vụ thị trưởng, tỉnh trưởng bằng những sĩ quan cấp tá thay cho những nhà cầm quyền dân sự.[69] Việc phát triển cơ sở hạ tầng đô thị thời kỳ này ít được coi trọng, thay vào đó, rất nhiều các công trình phục vụ cho mục đích quân sự được xây dựng hoặc sửa chữa, như các trung tâm huấn luyện quân sự, trạm radar trên núi Lang Biang và ở Cầu Đất, sân bay Cam Ly, sân bay Liên Khương.[70] Tuy vậy, một số công trình dân sự cũng xuất hiện trong khoảng thời gian này, có thể kể tới Làng cô nhi SOS, Trung tâm trẻ khuyết tật, Trường Kỹ thuật Lasan... và các công trình dịch vụ thương mại, khách sạn, nhà hàng mọc lên ở khu vực trung tâm thành phố.[70]

Đà Lạt tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng hòa với 61 trường học, trong số này đặc biệt phải kể đến Viện Đại học Đà Lạt, Giáo hoàng Học viện Pio X và các cơ sở đào tạo quân sự: Trường Võ bị Quốc gia, Trường Chiến tranh Chính trị và Trường Chỉ huy Tham mưu.[71] Đà Lạt trước năm 1975 cũng đã là một thành phố đa dạng về tôn giáo với hơn 40 ngôi chùa cùng các nhà thờ, tu viện của 29 dòng tu Công giáo.[63] Du lịch thành phố thời kỳ này không còn nhộn nhịp như giai đoạn trước đó do chiến sự, tình hình an ninh không ổn định, các tuyến đường giao thông lên Đà Lạt không còn được an toàn và các thắng cảnh thiếu kinh phí để tổ chức, khai thác. Thành phố trở thành nơi nghỉ mát của giới thượng lưu và sĩ quan, quan chức có thế lực của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cùng một số người ngoại quốc tới miền Nam Việt Nam công du hay kinh doanh, du lịch.[69] Trong những năm 1960, dân số Đà Lạt gia tăng điều hòa, từ 73 ngàn người năm 1965 lên gần 90 ngàn người năm 1970. Nhưng từ sau 1970, khi chiến tranh Việt Nam ngày càng khốc liệt, dân số Đà Lạt cũng có những biến động đáng kể, đến năm 1975 chỉ còn 85.833 người.[57] Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, 31 tháng 3 năm 1975, quân đội miền Nam rút khỏi Đà Lạt và sáng 3 tháng 4, quân đội miền Bắc tiến vào thành phố.[72]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Đà_Lạt http://web.archive.org/web/20070205140731/http://w... http://baolamdong.vn/xahoi/201010/da-Lat-lam-gi-de... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200913/2009... http://www.thanhnien.com.vn/news1/pages/20100221/t... http://www.lamdong.gov.vn/ http://www.lamdong.gov.vn/vi-VN/congdan/thong-tin-... http://kienthuc.net.vn/dien-dan/tinh-chuyen-thay-a... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Histor...